Chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cần được đặc biệt chú trọng. Một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ góp phần đảm bảo cho trẻ suy dinh dưỡng đạt được cân nặng và chiều cao tối ưu, tăng trưởng và phát triển bình thường.
Thế nào là suy dinh dưỡng?
Suy dinh dưỡng được hiểu là tình trạng cơ thể thiếu hụt về protein – năng lượng và các vi chất dinh dưỡng gây ra do giảm tiêu thụ thực phẩm và/hoặc do bệnh tật.
Có thể nói suy dinh dưỡng thấp còi là trở ngại lớn nhất đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Cụ thể, suy dinh dưỡng thấp còi là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh. Suy giảm sức khỏe ở trẻ nhỏ. Còn khi trưởng thành, có thể khiến con người bị suy giảm khả năng học tập và năng suất lao động. Tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư…
Các yếu tố liên quan đến suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em được xác định là do cân nặng sơ sinh thấp, trình độ học vấn của cha mẹ, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình, chế độ dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời cho trẻ không được đảm bảo…
Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi
Theo đó, nguyên nhân dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi chủ yếu là do chế độ dinh dưỡng không được đảm bảo.
Cụ thể, trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi trước khi lên 3 là hậu quả của việc không nhận đủ thức ăn và chất lượng thức ăn không đảm bảo.
Ngoài ra, trình độ học vấn của cha mẹ cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Theo đó, tại các gia đình ở nông thôn, vùng núi do trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn nên trẻ có nguy cơ mắc suy dinh dưỡng thấp còi cao hơn do khả năng tiếp cận với lương thực thực phẩm hạn chế.
Dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi
Trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi thường có cân nặng không tăng trưởng như mức dự kiến. Hoặc tụt giảm từ 5-10% hoặc hơn so với trọng lượng cơ thể của trẻ trong vòng 3-6 tháng.
Ngoài ra, khi bị suy dinh dưỡng thấp còi trẻ sẽ phát sinh những thay đổi trong hành vi như thường xuyên quấy khóc, ít vui chơi và kém linh hoạt, cơ thể chậm chạp hơn hẳn bạn cùng lứa. Các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần. Đặc biệt, dấu hiệu nhận thấy rõ rệt nhất là trẻ chậm phát triển vận động như chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi đứng.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi
Hai vấn đề mà cha mẹ cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi là giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu để bắt kịp đà tăng trưởng và tăng cường miễn dịch.
Theo đó, suy dinh dưỡng thấp còi cần được phòng tránh bằng cách chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ trước và trong khi mang thai cho đến khi đứa trẻ sinh ra, nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung đến lứa tuổi tiền học đường.
Cụ thể, trước, trong khi mang thai bà mẹ cần được bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất, bổ sung canxi, bổ sung protein và năng lượng cân bằng, dùng muối iốt trong chế biến thức ăn.
Khi đứa trẻ được sinh ra, mẹ cần đảm bảo cho trẻ được bú trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Bổ sung vi chất cho trẻ em có nguy cơ: bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 – 59 tháng tuổi, bổ sung kẽm dự phòng cho trẻ từ 12 – 59 tháng tuổi.
Trẻ từ 6 tháng trở lên, cho trẻ ăn bổ sung đúng cách. Đảm bảo bữa ăn của trẻ đa dạng các loại thực phẩm trong đó nhóm dầu mỡ là bắt buộc, sử dụng các thức ăn giàu đạm động vật như thịt, trứng, tôm, cua, cá… Tăng đậm độ năng lượng, hóa lỏng bữa ăn bổ sung bằng cách thêm dầu/mỡ, bằng giá đỗ hoặc men tiêu hóa, tăng cường các loại quả tươi giàu vitamin.
Ngoài ra, cần cho trẻ ăn tăng các thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua, nấu nhừ để ăn cả xương hoặc giã vỏ lọc lấy nước sẽ hấp thu được nhiều canxi.
Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời cho trẻ
Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi
Ngoài việc quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, khi chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Về ăn uống: Cha mẹ cần đảm bảo cho trẻ được ăn chín, uống sôi. Thức ăn nấu xong phải cho trẻ ăn ngay. Nếu để quá 03 giờ đồng hồ phải đun sôi lại mới cho trẻ ăn. Ngoài ra, cần tránh cho trẻ ăn những thực phẩm nhiễm bẩn và bị ô nhiễm. Bởi đây là những thực phẩm có nguy cơ gây bệnh cho trẻ như: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn… Cùng với đó, các dụng cụ chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh.
- Vệ sinh cá nhân cho trẻ: Tắm rửa thường xuyên cho trẻ bằng nước sạch, đặc biệt là vào mùa hè.
- Luôn giữ ấm cho trẻ, tránh bị gió lùa đặc biệt là vào mùa đông hay khi tắm gội.
- Quần áo mặc cho trẻ cần được giữ sạch sẽ, giặt sạch và phơi khô, tốt nhất nên phơi dưới ánh nắng.
- Rèn luyện cho trẻ thói quen giữ gìn răng miệng sạch sẽ, không ăn nhiều đồ ngọt để tránh các bệnh sâu răng, viêm lợi.
- Tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện, cắt móng tay cho trẻ. Không để trẻ lê la dưới đất bẩn. Không cho trẻ mút tay, không quệt tay bẩn lên mặt, không đưa đồ vật, đồ chơi bẩn lên miệng để tránh các bệnh giun sán.
- Bảo đảm cho trẻ ăn, ngủ, vui chơi nơi thoáng mát, sáng sủa sạch sẽ. Đồ chơi của trẻ luôn sạch sẽ và khô ráo, dùng nước sạch cho sinh hoạt và nấu thức ăn cho trẻ. Để rác thải ở chỗ kín, xa nơi ở, tránh ruồi muỗi đậu.
- Luôn thể thể hiện tình cảm qua việc âu yếm, vỗ về, yêu thương trẻ, khích lệ, chuyện trò, nô đùa, nói những lời yêu thương. Tránh những hành vi thô bạo trong cử chỉ lời nói khi ở trước mặt trẻ.
- Khi trẻ ốm, đặc biệt là khi bị tiêu chảy hoặc viêm đường hô hấp, cha mẹ cần biết cách xử trí ban đầu tại nhà. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, cần coi trọng việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ thích hợp để giúp trẻ mau khỏi bệnh và chóng hồi phục.
Trên đây là nội dung bài viết chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi mà chúng tôi gửi đến bạn đọc. Hi vọng các thông tin nêu trên hữu ích đối với các bậc cha mẹ.